QC

Nhu cầu mua nhà để ở trong dân vẫn rất cao, bất chấp tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên tìm mua một căn nhà ưng ý trong ma trận hiện nay không phải là điều dễ dàng. Xin chia sẻ tới bạn đọc một số kinh nghiệm sống còn khi quyết định tìm nơi an cư hoặc để đầu tư.

Hiện nay các phân khúc chung cư “đã đi vào hoạt động" giá khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng trở xuống vẫn giao dịch khá tốt. Còn nhà phố với mức giá khoảng 2 tỷ trở lại, pháp lý tốt thì vẫn có nhiều khách hàng quan tâm và giao dịch.

Điều này chứng tỏ trong “cát vẫn có vàng”, và những miếng vàng thực sự này đã được người mua cất công sàng lọc khá kỹ từ pháp lý ổn định, quy hoạch dịch vụ tốt, và giá cả khá hợp lý.

Mua một căn nhà ưng ý trong giai đoạn hiện nay như "tìm vàng trong cát". Ảnh minh họa: Internet


Tuy nhiên không phải ai ai trong chúng ta cũng có thể đãi cát tìm ra vàng và tránh được nhiều rủi ro trong thời kỳ khó khăn hiện nay.

Nên để mua một căn nhà chúng ta cần tham khảo thật kỹ trước khi quyết định, và theo tôi người bảo vệ quyền lợi người mua trước hết phải là “chính mình”.

Để sở hữu được một bất động sản ưng ý và an toàn, người mua cần tự đánh giá một số tiêu chí sau:

1. Đánh giá bản thân trước khi quyết định mua nhà:

Hãy xem bạn có thực sự quyết tâm mua nhà hay chưa? Khi bạn đã quyết tâm thì bạn hãy dành một khoảng thời gian để nghiên cứu và tìm tòi để mua được căn nhà ưng ý, tránh hối hận về sau.

Mặt khác để sự lựa chọn của bạn là chính xác nhất, bạn nên xác định rõ mục tiêu của mình mua nhà là gì. Bởi khi mua nhà để ở thì tiêu chí yên tĩnh, gần trường học, chợ, bệnh viện và hàng xóm tốt là hàng đầu. Nhưng nếu mua nhà để kinh doanh thì tiêu chí đông đúc, sầm uất lại quan trọng nhất…

Ngoài ra bạn còn phải xác định cả lượng tiền mặt hợp lý nữa, nếu không bạn sẽ sa chân quá đà và vượt qua khả năng thanh toán của bạn.

2. Phân tích các yếu tố quyết định ảnh hưởng đến giá trị căn nhà:

Bao gồm 5 yếu tố chính:

- Yếu tố tự nhiên: vị trí của căn nhà, hình dáng, chiều dài chiều rộng... Vị trí chính là đặc điểm tồn tại duy nhất, đặc biệt mà không miếng đất nào có thể hoàn toàn giống nó. Chính nhờ nó mà căn nhà của bạn có được một điểm lý tưởng để kinh doanh hay sinh sống. Với vị trí này nó có thể đem lại giá trị sử dụng như ý bạn mong muốn hay không. Bạn hãy lưu ý điểm này.

- Yếu tố pháp luật: Hiện nay rất nhiều người dở khóc dở cười vì yếu tố này, bạn có chắc căn nhà mình sắp mua là đã có bằng chứng sở hữu và sử dụng (giấy chủ quyền)? Cho dù có đi chăng nữa bạn cần phải xác minh tư cách pháp nhân của người bán. Đừng bao giờ bạn mua kiểu ‘bán hộ’ và nhất là không nên mua nhà để rồi không bán được, và mua đất không được xây với giá cắt cổ (đối với đất, bạn hãy xem thật kỹ nguồn gốc đất và mục đích sử dụng, đừng tin vào lời hứa suông của người bán).

- Yếu tố Quy hoạch - Xây dựng:
Trước khi quyết định mua bạn nên hỏi thăm cán bộ địa chính xã, phường nơi bất động sản tọa lạc để tìm hiểu về quy hoạch của khu vực, các chỉ tiêu về xây dựng, lộ giới... Đây là yếu tố đầy rủi ro nhưng cũng đầy cơ hội, nhờ quy hoạch mà nhiều bất động sản tăng giá ào ào. Nhưng cũng bởi quy hoạch sai mà rất nhiều người gặp khó khăn ở không xong mà bán cũng không được.

- Yếu tố xã hội: Bạn chọn được căn nhà ưng ý về vị trí, pháp lý đầy đủ với mức giá “hời” nhưng điều đó vẫn chưa đủ nếu không bạn lại phải tìm mua nhà một lần nữa bởi tiếng ồn, nguồn nước và không khí đe dọa sức khỏe bạn. Hoặc những người hàng xóm không thân thiện làm cho cuộc sống gia đình bạn luôn xa lạ với chính nơi ở của mình.

- Và cuối cùng đó là yếu tố kinh tế: Một tài sản có giá trị vì nó tạo ra chính thu nhập cho người chủ sở hữu. Bạn nên cân nhắc hiện tại và tương lai xem căn nhà định mua sẽ đem lại cho bạn những nguồn thu nhập gì? Bao nhiêu? Và khả năng tăng giá trong tương lai nó thế nào? Dù bạn mua nhà để ở đi chăng nữa bạn cũng nên đánh giá liệu nếu bạn không mua và gửi tiền trong ngân hàng lấy lãi, rồi đi thuê một căn hộ sang trọng thoải mái thì sẽ có hơn không? Bạn hãy quan tâm nhé.

3. Yếu tố tâm lý:

Sau khi mọi thứ đã ưng ý bạn hãy để ý xem tâm lý người bán, bởi mức giá họ đưa ra một phần phụ thuộc vào động cơ bán của chủ nhà và chính điều này giúp bạn thương lượng với người bán một cách có lợi nhất, mua được giá rẻ nhất. Tất nhiên với các chủ nhà cần bán gấp vì bất kỳ lý do gì như phá sản, cần tiền gấp thì lợi thế càng thuộc về bạn.

Đồng thời, đánh giá tâm lý và xác định động cơ người bán cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu một số rủi ro lừa đảo trong đó. Với các động cơ bán mập mờ loanh quanh, bạn nên xác định lại căn nhà mình muốn mua có yếu tố bất ổn gì trong đó không sau đó mới quyết định.

Tôi hy vọng một số kinh nghiệm nêu trên sẽ giúp những người sắp mua nhà có được một số kinh nghiệm trước khi quyết định việc một trong 3 việc quan trọng của đời người (“tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”), nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Trần Thế Nhật
(BanNhaDat24h sưu tầm từ http://vnexpress.net)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top