ĐT830 là 1 trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 55km, từ huyện Đức Hòa đến Cảng Long An (huyện Cần Giuộc), vốn đầu tư trên 2.200 tỉ đồng.
Do nguồn cát hiếm cộng với vướng mặt bằng nên tuyến Đường tỉnh 830 thi công gặp nhiều khó khăn
Toàn tuyến chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức (thực hiện theo hình thức BOT, vốn 1.079 tỉ đồng, chiều dài khoảng 24km), đoạn 2 từ huyện Bến Lức đến Quốc lộ 50 (dài khoảng 18km, vốn đầu tư trên 626 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách và Trung ương hỗ trợ), đoạn 3 từ Quốc lộ 50 đến Cảng Long An, huyện Cần Giuộc (dài khoảng 13km, vốn trên 555 tỉ đồng).
Vướng mặt bằng
Tất cả 3 đoạn của tuyến ĐT830 đang được triển khai thi công. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp khó khăn nên việc thi công công trình chậm tiến độ so với kế hoạch. Tại đoạn 2 của công trình, hiện nay, có gần 80 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án. Theo lãnh đạo huyện Cần Đước, việc triển khai thi công tuyến đường qua địa bàn huyện gặp khó khăn do nhiều hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng.
Hàng tuần, huyện đều họp với các địa phương nơi có tuyến ĐT830 đi ngang, tìm biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giao mặt bằng để nhà thầu có thể triển khai công việc theo kế hoạch. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường gặp gỡ những hộ dân trên để lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc GPMB.
Đại diện nhà thầu thi công gói 14 (thuộc Công ty Đầu tư Xây dựng Thương mại Băng Dương - thầu gói 12, 14 đoạn 2) xác nhận: Việc thi công đoạn này được lãnh đạo địa phương hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, một số nơi còn vướng mặt bằng cộng với mưa nhiều ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công trình. Nhà thầu báo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải và tích cực làm việc với địa phương để thực hiện GPMB, tạo điều kiện thi công theo đúng kế hoạch trong thời gian sớm nhất.
Cát khan hiếm
Bên cạnh vướng mặt bằng, tuyến ĐT830 gặp khó khăn lớn về nguồn cát cung cấp để thi công công trình, nhất là san lấp nền. Cũng theo đại diện nhà thầu thi công gói 14, hiện giá cát tăng cao so với trước, tuy chấp nhận mua với giá cao nhưng nguồn cung cấp cát rất hiếm. Toàn gói 14 cần 80.000m3 cát để san lấp, làm nền. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 10.000m3 cát nên tiến độ thi công chậm so với kế hoạch.
Đường tỉnh 830 thi công gặp nhiều khó khăn
Chỉ huy phó gói thầu 15 đoạn 2 qua địa bàn xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (thuộc Công ty TNHH Một thành viên 622) - Lê Văn Bẩy cho biết: Gói thầu 15 do công ty chịu trách nhiệm thi công phần đường dài khoảng 3,5km. Hiện tiến độ chậm hơn nhiều so với kế hoạch.
Nguyên nhân chính do thiếu cát để san lấp nền đường dù công ty chấp nhận mua cát với giá cao, ước tính cát san nền hiện nay tăng 32% so với trước (tháng 4/2017, giá cát san nền 125.000 đồng/m3, hiện tại 165.000 đồng/m3). Công ty đang tích cực liên hệ mua cát nhưng nguồn cát rất hiếm, có khi phải chờ 3-4 ngày mới mua được 1.000m3. Gói thầu cần khoảng 70.000m3 cát lấp nền, tuy nhiên hiện tại, đơn vị mới chỉ có trên 10.000m3 để san lấp mặt bằng.
Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều và vướng mặt bằng cục bộ nên tiến độ thực hiện chậm hơn kế hoạch. Hiện, công ty liên hệ nhiều nơi để tìm mua cát, có kế hoạch thi công vào mùa mưa, tích cực làm việc với địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB cho đơn vị nhanh chóng thi công công trình theo kế hoạch - ông Bẩy cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh xác nhận: Hiện, tuyến ĐT830 gặp khó khăn khi thi công. Dù nhà thầu chịu chi phí cao để mua cát nhưng nguồn cát vẫn rất hiếm. Trước tình hình trên, sở tham mưu UBND tỉnh cho phép chọn nguyên liệu thay thế cát, cụ thể là khai thác đất có chọn lọc, phù hợp để san nền (khi nhà thầu có yêu cầu hỗ trợ).
Đối với công tác GPMB, hàng tuần, sở đều làm việc với các địa phương và nhà thầu liên quan để có giải pháp bàn giao mặt bằng thi công. Sở yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình trước tình trạng mưa nhiều như hiện nay./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét