Dù đã có kết luận buộc phải ngưng hợp đồng, nhưng tiệc cưới vẫn còn được tổ chức trong khuôn viên Công viên Văn hóa Phú Lâm
Cho thuê sai, sẽ đền bù 14,3 tỷ đồng?Công viên Phú Lâm tồn tại lâu đời, cây cối xòe tán như rừng già, thế nhưng ngay vị trí đắc địa của công viên lại xuất hiện một khối bê tông đồ sộ, ghi thẳng tấm biển quảng cáo: Trung tâm hội nghị tiệc cưới Sun Palace “chuyên tổ chức sự kiện văn hóa, tiệc cưới, hội nghị và yến tiệc”.
Vì sao có sự trớ trêu này? Theo UBND quận 6, nguyên nhân là do yếu tố lịch sử để lại, giữa việc sát nhập và tách của Trung tâm Văn hóa với Công viên Phú Lâm. Tiền thân mặt bằng xây dựng trung tâm tiệc cưới là hội trường nhà văn hóa của quận, dành để sinh hoạt cộng đồng. Năm 1999, UBND TPHCM ban hành quyết định sát nhập Trung tâm Văn hóa và Công viên Phú Lâm thành Trung tâm Văn hóa quận 6 (sau đây gọi tắt là TTVH). Đến năm 2007, UBND quận 6 giao cho Công ty Việt Ý đầu tư khai thác mặt bằng tại hội trường để tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hợp đồng hợp tác đầu tư 10 năm với TTVH, theo phương thức phân chia lợi nhuận. Năm 2009, UBND quận tiếp tục cho TTVH ký phụ lục hợp đồng tăng định mức khoán và thời gian hợp tác là 22 năm. Đồng thời, UBND quận 6 cũng chấp thuận cho TTVH ký phụ lục hợp đồng với Công ty Việt Ý được bổ sung thêm hoạt động kinh doanh nhà hàng ăn uống, tổ chức tiệc cưới. Một lãnh đạo TTVH cho biết, giá thuê 18 triệu đồng/tháng, lũy kế theo từng năm. Như vậy, với mật độ tổ chức dày đặc, chắc chắn là lợi nhuận từ việc khai thác đất công viên này không hề nhỏ.
Sự việc trở nên bất thường, bởi vì từ tháng 8-2016, Thanh tra TPHCM có kết luận yêu cầu ngưng hoạt động tiệc cưới nhưng đến nay vẫn được tổ chức đều đặn. Lý do được giải thích từ TTVH là “đơn vị hợp tác vẫn duy trì tiệc cưới do đầu tư kinh phí quá lớn”. Ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND quận 6, cho biết: “Toàn bộ sai phạm đã giải quyết theo chỉ đạo của Thanh tra TPHCM. UBND quận 6 đã gửi văn bản kiến nghị Sở Nội vụ có hình thức xử lý các đồng chí nguyên là lãnh đạo UBND quận thời điểm 2009, đã ký cho hoạt động trung tâm tiệc cưới. Hướng xử lý là sẽ không cho tổ chức nhà hàng tiệc cưới nữa và phải trở về hoạt động đúng chức năng là câu lạc bộ. UBND quận 6 đã nhiều lần mời TTVH và Công ty Việt Ý lên thỏa thuận về việc ngưng không tổ chức tiệc cưới nhưng đơn vị này không đồng ý, có thể hai bên sẽ phải ra tòa giải quyết. Ước tính đền bù khoảng 14,3 tỷ đồng. Nếu thua kiện thì nguyên lãnh đạo quận trước đây phải có trách nhiệm bồi thường”. Trong khi đó, chúng tôi trong vai người hỏi đặt thuê tiệc cưới cho một tháng tới, nơi đây vẫn trả lời là nhận, “giá từ 3,1 triệu đồng/bàn”!
Có vị trí địa lý khá đẹp, hồ bơi Nguyễn Tri Phương trên đường Đồng Nai thuộc Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) quận 10 đã bị “xẻ thịt” mặt tiền để mở quán bi da, cà phê và quán ăn. Nếu như cửa cổng không có treo bảng hiệu Trung tâm TDTT quận 10 thì nhiều người sẽ tưởng đây là Trung tâm “ăn chơi giải trí”. Mới đây, thêm mặt bằng ngay góc đường Trường Sơn - Đồng Nai được tháo dỡ bức tường để mở quán bán bánh canh. Cách đó không xa, lô đất sát bên Nhà Thiếu nhi quận 10 (đường Bắc Hải nối dài) thuộc Câu lạc bộ Bi sắt do Trung tâm TDTT quận 10 quản lý cũng “xẻ thịt” cho thuê.
Cho thuê theo đơn giá cách nay 22 năm!
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sự lãng phí đất công phổ biến chính là việc cho thuê hoặc bố trí người ở, rồi sau này Nhà nước phải tốn kinh phí để di dời. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có 11 khu đất đã đưa về Trung tâm Phát triển quỹ đất làm thủ tục thu hồi, nhưng bị vướng các hộ dân đang sinh sống. Bị lấn chiếm nhiều nhất là khu đất số 97/2/19 Kinh Dương Vương (phường 12, quận 6), có diện tích 1.051m² với 15 hộ dân đang làm nhà ở. Trước đó, khu đất này do Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam quản lý lỏng lẻo, đã bị chiếm dụng. Năm 2016, UBND TP có công văn thu hồi khu đất và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, phối hợp với tổng công ty thu hồi phần diện tích 572m² do 7 hộ lấn chiếm để lập thủ tục bán đấu giá, thu tiền nộp ngân sách TP. Hoặc khu đất 640m² tại địa chỉ số A712/1 Võ Văn Ngân (quận 9), hiện đang có 1 hộ dân và 2 nhà bảo vệ. Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận khu đất vào tháng 5-2015 từ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hiện nay muốn di dời để bán đấu giá thu tiền cho ngân sách, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo 09 đã lập phương án xử lý di dời và đã trình UBND TP.
Theo chân đoàn giám sát quản lý sử dụng đất công, một biểu hiện lãng phí khác là đơn vị quản lý giữ hộ cho TP các khu đất công, hiện đem cho thuê với giá quá bèo. Tại quận 6, Công ty Dịch vụ công ích quận đang tạm quản lý giữ hộ 132 mặt bằng. Trong đó, hầu hết các mặt bằng được đem cho thuê với các mục đích như “làm chành xe khách, làm kho kinh doanh nước giải khát sỉ và lẻ, cho thuê sản xuất nhựa, dập lồng quạt máy, mở quán cơm, kinh doanh vàng”… Điều đáng nói là việc cho thuê này theo đơn giá cho thuê sản xuất kinh doanh cách nay 22 năm, tức là thực hiện theo Quyết định 3346 ngày 7-10-1994 của UBND TP! Việc này cũng diễn ra tại một mặt bằng mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, hơn 200m², nhưng mỗi tháng thu về chưa được 3 triệu đồng! Điều này khiến ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, phải thốt lên: “Thật xót xa vì cách hành xử “vô tâm” đối với đất công!”…
Lãng phí đất công là câu chuyện đã diễn ra “rất dài và rất lâu”, có rất nhiều cách thức trục lợi như cho thuê, bán chác giá rẻ mạt, trong đó có cả nhóm lợi ích thao túng... Rõ ràng, việc dừng bán đất công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “khoảng lặng” kịp thời để rà soát lại toàn bộ, từ đó sẽ có xử lý phù hợp, hướng đến mục đích lớn lao là dùng nội lực đặc biệt này phục vụ công cuộc kiến quốc!
LƯƠNG THIỆN - THANH HẢI
(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét