Theo các chủ doanh nghiệp, đây là động thái thăm dò thị trường trước khi mở bán và hình thức này lại mở rộng cho ai muốn đặt chỗ cũng được. Chủ đầu tư các dự án nghiễm nhiên được thu về một khoản tiền của nhiều nhà đầu tư BĐS đặt chỗ trong một thời gian trước khi mở bán sản phẩm. Việc này lại là hình thức tự nguyện thuận mua vừa bán của cả hai bên.
Tại một dự án đang xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, nhân viên kinh doanh cho biết hiện dự án đang xin giấy phép về phần thiết kế vì lúc đầu chỉ là 20 tầng và 200 căn nhưng bây giờ muốn sửa đổi lại diện tích thiết kế .
Tuy nhiên đối với những người muốn đầu tư vào dự án thì doanh nghiệp bất động sản đã cho các khách hàng giữ chỗ ở đây. Khách hàng giữ chỗ sẽ nhận được quyền ưu tiên chọn vị trí và được thông báo khi công ty mở bán. Nhưng nhân viên kinh doanh ở đây cho biết : “Chưa biết ngày mở bán cụ thể. Còn giữ chỗ thì đã bắt đầu nhận từ hồi tháng 3, tháng 4 và đã có hơn 60 người giữ chỗ ở đây rồi”.
Mỗi người giữ chỗ 50 triệu đồng trên 60 người, chủ đầu tư đã có một khoản 3 tỷ đồng sử dụng trong khoảng thời gian chưa đưa ra mở bán. Khoảng thời gian mở bán là phụ thuộc vào chủ đầu tư. Theo những nhân viên kinh doanh, người đầu tư căn hộ thường chọn những căn có view đẹp và diện tích bé để dễ dàng bán lại.
Đặt tiền giữ chỗ ưu tiên sẽ được quyền ưu tiên lựa chọn căn hộ
Tại một dự án khác ở đường Ngô Chí Quốc, Thủ Đức, chị Mai đóng 30 triệu giữ chỗ từ tháng 1/2016 để mua đất nền được nhân viên kinh doanh tư vấn là vào tháng 3/2016 thì sẽ mở bán và giá đất lúc đó là 14- 16 triệu/m2.
Nhưng Chị Mai và rất nhiều người đặt tiền giữ chỗ ở dự án này không nhận được thông báo mở bán của chủ đầu tư mãi đến ngày 7/6/2017 vừa qua chủ đầu tư mới thông báo mở bán. Như vậy khách hàng đóng tiền giữ chỗ mất 18 tháng mới có được thông báo của chủ đầu tư. Trong khi lúc này chủ đầu tư lại quay lại thông báo gấp ngày 9/6/2017 phải đóng tiền đặt cọc là 100 triệu khiến những khách hàng giữ chỗ ở đây trở tay không kịp và không chuẩn bị được tiền đóng cọc.
Một vướng mắc nữa là giá bán của khu đất nền ở thời điểm này đã cao lên 21 – 22triệu/m2. Những vị trí mà khách hàng đặt cọc giữ chỗ muốn mua lại bị đắt hơn những vị trí khác lúc đó khách hàng không thể mua được miếng đất ưng ý. Điều này cho thấy khách hàng chỉ là người nắm đằng lưỡi của cuộc chơi và bị chủ đầu tư xoay chuyển theo mục đích kinh doanh của mình.
Đặt tiền giữ chỗ mua đất nền cũng không tránh khỏi nhiều rủi ro
Tìm hiểu thêm vê những thông tin pháp luật về việc bảo vệ khách hàng khi đặt tiền giữ chỗ mua nhà ở dự án hình thành trong tương lai hay mua đất nền dự án thì được biết đây chỉ là những hợp đồng dân sự có sự thỏa thuận của hai bên. Nếu xảy ra tranh chấp thì chỉ là sự thỏa thuận thượng lượng của cả 2 bên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng khẳng định, hiện luật Kinh doanh BĐS không cấm chuyện chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ mua BĐS, nên doanh nghiệp thực hiện việc này theo luật dân sự, dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa hai bên. Luật dân sự cũng không quy định đặt cọc là bao nhiêu, nên thực tế khi giao dịch nhà phố khách hàng thường đặt cọc từ 2 - 10% còn căn hộ, biệt thự có khi lên đến 30% tổng giá trị.
“Ở Singapore, Úc cho phép chủ đầu tư BĐS khi triển khai dự án được nhận đặt cọc, giữ chỗ, nhưng số tiền đó để vào tài khoản phong tỏa. Ngân hàng nơi đứng ra cho chủ đầu tư vay tiền làm dự án sẽ thu số tiền này và quản số tiền đặt cọc, giám sát dòng tiền, không để chủ đầu tư lấy đi làm việc khác ngoài việc dùng để thi công dự án. Cũng có nước thì cho người mua nhà đặt cọc được hưởng lợi tức từ khoản tiền này. Khi số lượng người đặt cọc được 50% dự án thì chính quyền cho phép khởi công để đảm bảo dự án khả thi, không bị trùm mền. Nếu VN làm được điều này thì rất tốt vì khỏi cần phải thực hiện việc bảo lãnh cho người mua nhà theo luật hiện nay”, ông Châu cho hay.
Diệp Chi
(Theo CafeLand)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét