QC

BanNhaDat24h - Mặc dù UBND TPHCM đã có quy định diện tích tối thiểu để được tách thửa, tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn lách luật, tạo ra những khu dân cư không đảm bảo hạ tầng, kỹ thuật.


Những căn nhà phân lô bán nền ở ấp 3 xã Vĩnh Lộc B không hệ thống thoát nước, không có nước sạch
Theo Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, trên địa bàn các huyện ngoại thành, nếu muốn tách thửa thì nền đất tối thiểu phải 80m2, nhưng thực tế nhiều trường hợp đầu nậu đã lách luật, tạo ra những khu dân cư không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đến nay, việc này vẫn còn tiếp diễn.

Không đầu tư hạ tầng kỹ thuật

Mới đây, khi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn vào chiều ngày 25-6, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM trả lời về việc có hay không chuyện ngưng thực hiện việc tách thửa. Lãnh đạo sở này đã khẳng định: “Không có việc dừng tách thửa, tuy nhiên, TP đang xem những điểm chưa chặt chẽ của Quyết định 33 để bổ sung cho phù hợp thực tiễn”. Đó là động thái đúng đắn, nhưng quá chậm, trong khi thực tế đầu nậu vẫn tách thửa bán nền không đầu tư hạ tầng kỹ thuật và TPHCM vẫn đang cần giải quyết nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân.

Ngày 27-6, một cò đất dẫn chúng tôi đến xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để xem nền đất, giá rao bán là 380 triệu đồng. Từ đường Võ Văn Vân rẽ vào đường ấp 3, nhan nhản biển quảng cáo “môi giới nhà đất” đặt hai bên đường. Từ đường chính, rẽ phải vào con đường tráng xi măng là khu đất phân lô đang được rao bán. Có nền đã mọc lên căn nhà, xen giữa những nền còn trống và những đống gạch ngổn ngang, chưa kịp xây cất. Anh Lương (một cư dân ở đây) cho biết: “Tôi về đây ở được mấy năm rồi. Mỗi nền có diện tích 4m x 11m, chỉ 44m2, giá chừng 680 triệu đồng. Cò rao giá 380 triệu đồng, nhưng đó là tiền trả trước, khi nào muốn xây cất thì trả tiếp phần còn lại. Do diện tích đất chỉ có 44m2, nên phải đứng tên chung sổ hồng. Ở đây không có cống thoát nước nên tôi đào một hố sâu để nước thải tự ngấm xuống đất. Còn nước sinh hoạt thì đắt lắm, 12.000 đồng/m3, nên các hộ ở đây đều khoan giếng để xài tạm. Điện thì phải câu chuyền lại”.

Vòng qua đường Rạch Suối Sâu, sang ấp 6 của xã Vĩnh Lộc B, chúng tôi gặp chị Huynh, chủ một dịch vụ môi giới nhà đất. Chị Huynh hỏi: “Anh muốn mua nền giá nào, trăm rưỡi, hai trăm hay một tỷ đồng, giá nào cũng có”. Chúng tôi thắc mắc vì sao giá đất nền phân lô lại chênh nhau nhiều như vậy, chị giải thích: “Đắt rẻ là do vị trí và… ra sổ được hay không. Giá rẻ thì ở trong sâu so với đường lộ, không được phép xây dựng, muốn xây thì phải “chạy”, phải tự lo điện nước. Còn giá cao thì gần lộ, điện nước vô được, nhưng cũng phải chung sổ”. Chị Huynh chỉ sang mảnh đất đối diện sau dãy nhà mặt tiền, có hàng cây đu đủ, thuyết phục: “Anh lấy miếng đó đi, giá gần tỷ thôi, cất nhà lên, có điện nước luôn, còn thoát nước thì chờ sau này Nhà nước sẽ làm!”.

Không ổn về mặt pháp lý

Chị Hương ở quận 5 vừa bán căn nhà được chừng chục tỷ đồng, chia cho các con để ra riêng. Chị khoe: “Tôi mới mua được 2 căn ở huyện Nhà Bè, giá cũng mềm lắm”. Chúng tôi theo chị đến Nhà Bè tìm hiểu. Chị mua cho con trai một căn nhà ở đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển) giá 1,2 tỷ đồng, diện tích chỉ 3m x 8m, tức chỉ có 24m2, nhưng đầu nậu xây đến 3 tấm, sơn màu sắc khá bắt mắt. Hỏi giấy tờ, mới biết là 4 nhà chung một sổ hồng. Còn căn nhà chị mua cho con gái ở xã Phước Lộc, giá 1,3 tỷ đồng, diện tích 4m x 11m, cũng 2 nhà chung một sổ hồng. Đầu nậu cho hay mức giá này thì phải chịu mua nhà diện tích đất nhỏ, chung sổ hồng.

Qua cầu Rạch Tôm, thuộc địa bàn xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè), chúng tôi được cò đất tên Phong giới thiệu căn nhà phân lô, giá bán gần 700 triệu đồng. Nhà có diện tích 4m x 11m, thiết kế có tầng trệt, một lửng, một lầu. Cũng do diện tích đất nhỏ nên phải chung sổ hồng. Phong thuyết phục: “Tạm thời cứ 2 nhà (trên 80m2) là chung một sổ hồng. Nhà phân lô thì phải chịu chung sổ hồng thôi, khi nào Nhà nước cho tách thì tách. Anh mua căn này là được công chứng, nếu mua lại nhà đã sử dụng thì chỉ ra vi bằng. Nhà chung sổ hồng, ra công chứng chứng thực việc mua bán, nếu không ở, bán cho người thứ ba thì chỉ làm được vi bằng, không ra công chứng được nữa”. Thì ra khái niệm “giấy tờ hợp lệ, công chứng vi bằng” được rao nhan nhản khi bán nhà phân lô là vậy.

Hiện ở TPHCM đang còn hàng ngàn hồ sơ xin được phân lô tách thửa. Mục đích của chính quyền cho tách thửa là để người dân chia đất cho con khi con ra ở riêng, hay bán bớt một phần đất để trang trải kinh tế; nhưng chính sách này đang bị đầu nậu lợi dụng để trục lợi, làm phá vỡ quy hoạch, hình thành những khu dân cư tự phát nhếch nhác ven TP và lùng nhùng về giấy tờ pháp lý giữa nhiều hộ, sẽ gây nhiều hệ lụy mà chính quyền phải giải quyết khó khăn trong những năm tới.

CÁT TƯỜNG
(Theo SGGP)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top