QC

BanNhadat24h - Có trong tay hàng ngàn mét vuông đất, nhưng nhiều nhà đầu tư BĐS tại TP.HCM cũng phải than khổ và lo tiền từng ngày để trả lãi ngân hàng..


Nghịch cảnh thừa đất, thiếu tiền

Mấy ngày nay, ông Trần Văn Báu (quận Phú Nhuận) chạy đôn, chạy đáo khắp các sàn giao dịch BĐS tại quận 2 và quận 9 để gửi bán 5 lô đất nền, mỗi lô rộng cả trăm mét vuông tại đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) và khu Đồng Văn Cống (quận 2). Đây là những lô đất ông mua hồi tháng 4, khi thị trường đất nền tại TP.HCM lên cao với giá hàng tỷ đồng/lô. Để có tiền mua đất, ông vay ngân hàng, người thân… đầu cơ, nhưng giờ đây, cơn sốt đất đi qua, ông không thể bán để trả nợ.

Bà Trần Thị Hương (quận 2) từng được xếp vào hàng đại gia vì có nhà to, xe sang… nhờ trúng đất. Nhưng giờ đây, bà đang phải khổ sở với các khoản vay nợ để đầu tư vào đất nền tại nhiều nơi.

Còn trường hợp ông Trần Văn Tuấn (quận Phú Nhuận), cầm cả chục hợp đồng mua bán đất trong tay, nhưng tới nay, ông không đủ tiền đóng tiền thuê bao điện thoại. Vì có bao nhiêu tiền, ông mua đất hết, giờ đất không thể bán đi, mà lãi mẹ đẻ lãi con, khiến ông gần như kiệt quệ.

Có trong tay những mảnh đất lớn, nhỏ, nhưng đang phải chạy vạy lo từng ngày trả lãi ngân hàng và chủ nợ ngoài, đó là nghịch cảnh của không ít nhân vật “tiếng tăm” trong giới đầu cơ đất tại TP.HCM.

Phía sau “cơn sốt” đất

Trước “sự mạnh tay” của lãnh đạo TP.HCM, giá đất nền của Thành phố đã bắt đầu hạ nhiệt. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc CTCP BĐS Asian Holdings, đất nền là nhu cầu muôn thủa của người Việt Nam. Do đó, nhà liền thổ, nhất là đất nền có sổ đỏ ở những khu vực thuận lợi giao thông vẫn giữ giá, thậm chí có xu hướng tăng giá.

Đất nền được phân làm 2 loại, gồm đất xen kẹt và đất do các doanh nghiệp địa ốc tạo lập. Với đất xen kẹt và đất thổ cư tại những vị trí có tiềm năng phát triển, pháp lý rõ ràng, giá ổn định và có thể tăng. Với đất của các doanh nghiệp tạo lập, giá cũng sẽ ổn định, nhưng mức độ tăng giá phụ thuộc vào chất lượng dự án.

Lo từng ngày trả lãi ngân hàng và chủ nợ ngoài là nghịch cảnh của không ít nhân vật “tiếng tăm” trong giới đầu cơ đất tại TP.HCM.

"Khi giá đất nền tăng, các khu vực lân cận cũng sẽ tăng theo. Khu vực nào có giá ảo, thì hiện không có giao dịch và cũng nhanh chóng giảm mạnh. Chúng ta cần biết, giá đất không tăng giống nhau ở các khu vực khác nhau. Có nơi tăng ảo, nhưng có nơi tăng thật", ông Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP BĐS Hiển Vinh Long An cho rằng, đất nền sẽ không đi xuống ở tất cả các khu vực. Tại TP.HCM, hiện vẫn có nhiều dự án đất nền được các chủ đầu tư chào bán. Đơn cử Dự án Saigon Village (huyện Bình Chánh) vừa được chủ đầu tư chào bán giai đoạn II với hơn 300 nền đất trên diện tích 30 ha, giá bán từ 540 triệu đồng/nền. Ngay sau khi chào bán, khách hàng đã tìm tới mua khá nhiều. Điều này cho thấy, nhu cầu vẫn còn rất lớn.

Tại khu Tây Bắc TP.HCM, cuối tuần qua, CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường tổ chức lễ mở bán phố thương mại Hồng Phát & Vip Land thuộc Dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ và du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh. Trong ngày mở bán, hơn 1.500 khách hàng đã tới tìm hiểu và mua đất nền.

Theo ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, thị trường đất nền biến động thời gian qua không ảnh hưởng nhiều tới sức mua dự án mà Công ty đưa ra, bởi công ty ông nhắm tới khách hàng ở thật, siết đầu tư thứ cấp, xây dựng được niềm tin với khách hàng.

Phân khúc đất nền chỉ biến động khi giới đầu tư thứ cấp bày chiêu thâu tóm, thổi giá. Những vị trí bị đẩy giá đa phần là đất nông nghiệp không có quy hoạch và bán theo hình thức “ăn theo” quy hoạch giao thông. Nhiều chủ đầu tư vẫn mở bán dự án đất nền trong thời điểm này và bán rất tốt, vì thị trường vẫn có chỗ đứng cho những dự án phục vụ nhu cầu ở thực của người dân”, ông Việt nói.

(Theo Báo Đầu Tư)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top